Cách Làm Và Bón Phân Trùn Quế Đủ Liều Lượng Cho Cây Hấp Thụ Tốt Nhất?

Phân trùn quế được sử dụng rất nhiều trong ngành nông nghiệp của nước ta. Bài viết này, Awane.vn sẽ cùng bạn tìm hiểu cách làm phân trùn quế đơn giản tại nhà, cũng như cách bón phân đúng liều lượng cho cây hấp thụ tốt nhất.

Cách làm và bón phân trùn quế đủ liều lượng cho cây hấp thụ tốt nhất?
 

Phân trùn quế có tốt không?

Phân trùn quế (phân trùn đỏ, phân giun quế) là phân của con trùn quế - một loài trùn sống trong môi trường có nhiều chất hữu cơ đang phân hủy. Nguồn thức ăn của chúng chủ yếu là phân trâu, phân bò, phân gà vịt, rác thải hữu cơ,… Quá trình tiêu hóa với sự góp mặt của vi sinh vật trong ruột trùn giúp thức ăn được chuyển hóa tạo ra sản phẩm cuối cùng là phân trùn quế.
 
Cách làm phân trùn quế tại nhà 1
Phân trùn quế được sử dụng nhiều trong nông nghiệp.
 
Trong nông nghiệp, phân trùn quế được xếp vào “hàng ngũ” phân hữu cơ hàng đầu, là loại phân tự nhiên giàu dinh dưỡng nhất mà con người từng biết đến. Vì thành phần của phân trùn quế là 1OO% hữu cơ, nên đối với cây trồng, phân trùn quế được xem là nguồn “thức ăn” cao cấp giàu dưỡng chất, hoạt tính cao và hệ vi sinh vật phong phú. Hầu hết cây trồng đều có thể hấp thụ hiệu quả loại phân này, cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho sự tăng trưởng của cây. 

Cách làm phân trùn quế tại nhà

Sử dụng phân trùn quế để trồng rau tại nhà đang là xu hướng của nhiều gia đình hiện nay. Không chỉ tận dụng nguồn rác thải hữu cơ hàng ngày, có rau sạch cải thiện bữa cơm, mà đây còn là hành động ý nghĩa góp phần hạn chế xả thải ra môi trường.
 
Thông qua internet, bạn có thể dễ dàng tìm mua phân trùn quế được sản xuất sẵn trên thị trường. Tuy vậy, nếu chỉ cần một lượng phân đủ dùng cho mảnh vườn nhỏ của mình, bạn hãy thử cách làm phân trùn quế tại nhà của chúng tôi dưới đây.

1) Chuẩn bị dụng cụ làm phân trùn quế tại nhà:

- Thùng ủ phân chuyên dụng (bạn cũng có thể sử dụng thùng xốp, thùng nhựa, xô nhựa,… và phải có nắp đậy kín);
- Đất ẩm;
- Thức ăn cho trùn quế, bạn có thể tận dụng thức ăn thừa như: cơm thừa, bã đậu nành, vỏ trái cây, rau quả bỏ đi,… hoặc các loại phân bò, phân heo,…;
- Trùn quế (bạn có thể bắt trùn từ đất, hoặc mua tại các trại nuôi trùn quế hay các cửa hàng bán đồ câu cá);
- Bạt nilon;

2) Các bước làm phân trùn quế tại nhà:

Cách làm phân trùn quế 2
Làm phân trùn quế sử dụng nguồn rác hữu cơ sẵn có từ nhà bếp hàng ngày.
 
- Bước 1: Đặt thùng ủ phân ở vị trí thoáng mát, có nắp đậy kín để ngăn mùi rác phân hủy thoát ra môi trường cũng như tránh bị nắng mưa, chuột, mèo, và các loài côn trùng phá hoại;
 
- Bước 2: Cho toàn bộ rác hữu cơ và đất ẩm đã chuẩn bị vào thùng ủ. Nên làm theo quy tắc cứ 1 lớp đất ẩm và 1 lớp rác hữu cơ đan xen nhau. Nếu có phân trùn thì nên cho thêm vào một ít vì sẽ có chứa nhiều trứng, kén trùn quế;
 
Nếu có thể, nên đặt 1 ống nhựa (kiểu ống lọc giếng) ở giữa đống rác ủ để không khí lưu thông. Như vậy sẽ giúp thức ăn phân hủy nhanh hơn.
 
- Bước 3: Cho trùn quế vào chậu và rải đều. Tùy theo nhu cầu mà bạn cho số lượng trùn nhiều hay ít;
 
Mách nhỏ: Theo KPTCHEM, các chuyên gia khuyên bạn nên mang găng tay cao su để bàn tay không tiếp xúc trực tiếp với mùn bã hữu cơ, vi khuẩn ký sinh, đồng thời bảo vệ da tay sạch sẽ và tránh được các tổn thương trong quá trình ủ và thu hoạch phân trùn.

3) Cách “chăm sóc” thùng ủ phân:

- Nên nhớ, khi N (nitơ) + C (carbon) sẽ tạo ra phản ứng sinh học lên men làm phân hủy thức ăn, con giun rất thích loại thức ăn này. Do vậy, ngoài việc bổ sung thức ăn cho trùng bằng các loại rác nhà bếp, thi thoảng bạn có thể dùng các nguyên liệu giàu carbon như: giấy báo, lá khô, bìa cát tông,… ngâm vào nước cho mềm mủn rồi xé nhỏ trộn vào xô nuôi trùn.
 
- Luôn đậy kín thùng ủ để tạo môi trường sống thuận lợi cho trùn quế. Khoảng 3-4 ngày thì tưới nước vo gạo vào 1 góc chậu để nước ngấm xuống chậu tạo môi trường ẩm cho trùn phát triển.
 
- Nếu có phân bò tươi thì càng tốt vì đây là thức ăn ưa thích của trùn quế. Cho trùn ăn bằng cách trộn phân với nước rồi đổ vào thùng.
 
Sử dụng vi sinh ủ phân compost khi làm phân trùn quế
Sử dụng vi sinh ủ phân compost để tăng hiệu quả phân hủy rác hữu cơ khi ủ phân.

4) Thu hoạch:

Sau khi ủ được 30 ngày, nếu quan sát thấy phân trùn có màu nâu, tơi xốp, không có mùi và có nhiều trùn con nghĩa là bạn đã thành công. Còn chần chờ gì nữa mà không mang phân đi bón cho cây trồng của mình!

5) Những lưu ý khi làm phân trùn quế tại nhà:

Theo chị Trâm (Tân Bình, Hồ Chí Minh), cách làm phân trùn quế tại nhà không đòi hỏi quá nhiều kỹ thuật, chủ yếu là tận dụng lại nguồn rác hữu cơ sẵn có hàng ngày. Tuy vậy, khi ủ phân bạn nên lưu ý những điều sau:
 
- Có thể dùng hầu hết rác hữu cơ từ nhà bếp hay thức ăn thừa. Tuy nhiên, nên loại bỏ dầu mỡ trước khi đổ vào thùng vì chất béo rất khó phân hủy, tích tụ vào đất có thể gây ô nhiễm.
 
- Nếu có phân bò thì càng tốt vì đây là thức ăn tốt nhất cho trùn. Bạn nên sử dụng phân bò tươi, hòa tan với nước rồi mới cho trùn ăn. Tuyệt đối không nên để nguyên phân tươi vì sẽ gây ra mùi khó chịu, thu hút các loài động vật và côn trùng đến thùng ủ, ảnh hưởng đến thành quả của mẻ ủ.
 
- Vì trùn là loài ưa môi trường ẩm ướt nên lưu ý rất quan trọng là hãy giữ cho thùng ủ luôn ẩm, làm như vậy sẽ giúp trùn sinh sản rất nhanh.
 

Cách bón phân trùn quế hiệu quả theo từng mục đích

Phân trùn quế giàu dinh dưỡng và không gây hại cho cây khi dùng nhiều, song, để cây có thể hấp thụ tối đa dưỡng chất từ phân trùn đòi hỏi bạn nên sử dụng đúng liều lượng. Theo đó, dựa vào từng mục đích sử dụng khác nhau mà người ta sẽ pha trộn với tỷ lệ tương ứng.

Kích thích nảy mầm

Muốn làm tăng tỷ lệ nẩy mầm của hạt, giúp cây con phát triển nhanh và khả năng sống cao,… bạn nên trộn phân trùn với đất theo tỉ lệ 1:4 rồi bón cho cây. Hỗn hợp này đảm bảo cho cây phát triển không ngừng trong 3 tháng mà không cần phải bổ sung thêm bất cứ loại phân nào khác.

Sử dụng làm phân bón

Bạn có thể bỏ phân của trùn quế trực tiếp quanh gốc để bón lót cho cây, hoặc pha với nước sạch theo tỉ lệ 1:5 để tạo thành phân bón lỏng phun xịt trực tiếp vào thân, lá. Phân trùn có khả năng kiểm soát sâu bệnh, cũng như cung cấp dinh dưỡng giúp rau củ quả phát triển tốt, năng suất bội thu, rau củ quả khi thu hoạch có chất lượng cao.

Dùng phân trùn cải tạo đất và làm chất điều hòa dinh dưỡng cho đất

Nếu đất trồng của bạn xấu, kém màu mỡ,… đừng lo lắng, hãy xới tơi đất lên và bón một lượng phân trùn thích hợp sẽ là giải pháp cải tạo đất hữu hiệu. Vì số lượng kén trùn có trong phân trùn rất nhiều nên khi bón vào đất, gặp môi trường thuận lợi kén sẽ nở ra và trùn nhanh chóng sinh sôi trên đất canh tác. Chúng sẽ giúp cho đất trồng luôn màu mỡ và tơi xốp.

Cách bón phân trùn quế đủ liều lượng cho từng nhóm cây trồng

Cách bón phân trùn quế đủ liều lượng để cây hấp thụ tốt hơn

Đối với rau mầm

Rau mầm thường được trồng trong thời gian ngắn và không cần phải chuẩn bị nhiều đất nên được rất nhiều gia đình ưa chuộng để trồng rau trên sân thượng hay mảnh vườn nhỏ. Thay vì sử dụng đất, bạn có thể sử dụng phân trùn quế như một loại giá thể để rau mầm phát triển, vừa tăng dinh dưỡng cho cây, vừa đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Ngoài ra, giá thể còn có thể được tái sử dụng nhiều lần.
 
Cách sử dụng phân trùn quế rất đơn giản, bạn trải một lớp phân trùn quế vào khay trồng, dày khoảng 2 - 3 cm rồi gieo hạt. Bạn cũng có thể trộn thêm một phần mùn dừa vào phân trùn quế để gieo rau mầm.

Đối với rau hoa màu

Cách bón phân trùn quế cho rau hoa màu rất đa dạng. Người ta có thể dùng để bón lót và bón thúc. Với bón lót, trộn đều phân trùn quế và các giá thể tạo xốp vào đất trước khi trồng để đất trồng vừa thêm dinh dưỡng vừa tơi xốp, thoát nước tốt.
 
Để bón thúc cho cây rau màu, bạn có thể rải lớp phân trùn quế lên mặt đất quanh gốc cây rồi rải lớp đất mịn, hoặc trộn đều phân trùn quế với đất mịn rồi bón cho cây. Do giá trị dinh dưỡng có trong phân trùn quế không cao nên bạn cần bón định kỳ thường xuyên để cung cấp đủ cho cây phát triển xanh tốt, nhất là sau mỗi lần thu hoạch rau ăn lá, cần bổ sung thêm phân bón để cây có đủ dinh dưỡng nuôi những đợt rau mới.
 
Nếu như bạn trồng rau trong chậu, bạn nên tiến hành trộn phân trùn quế với các giá thể khác với tỷ lệ 1:3 để làm giá thể trồng, và chú ý bổ sung định kỳ sau mỗi tháng, hoặc sau mỗi đợt ngắt rau ăn.

Đối với cây cảnh, hoa kiểng

Tùy theo nhu cầu của từng loại cây mà liều lượng phân trùng sử dụng sẽ khác nhau. Ở đây, Awane đã tổng hợp cách bón phân trùn quế đủ liều lượng trên một số cây cảnh như:
 
- Hoa lan: Bón phân trùn bên dưới chậu rồi trồng cây lên trên, hoặc sử dụng phân trùn quế ép viên rải đều trên mặt chậu. Ngoài ra, bạn có thể pha loãng dung dịch phân trùn quế với nước theo tỉ lệ 1:1000 (1ml dung dịch trùn quế pha với 1000ml nước) và phun sương với chu kỳ 5-7 ngày/lần.
 
- Hoa hồng: Phân trùn quế hiệu quả nhất là khi sử dụng để bón thúc qua lá trong giai đoạn hoa hồng đang phát triển. Bạn nên pha loãng phân trùn với nước sạch theo tỷ lệ 1:100 rồi tưới lên toàn thân của hoa hồng để hoa hấp thụ nhiều dưỡng chất nhất. Phần còn thừa tưới vào gốc cây để bổ sung dinh dưỡng cho đất trồng. Nên tưới vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát, tần suất 7-10 ngày/lần.
 
- Sen đá: Trộn xơ dừa + trấu hun + phân trùn quế theo tỉ lệ 2:1:1. Sử dụng hỗn hợp này để trồng sẽ giúp cây sen đá tăng khả năng phòng bệnh, giúp rễ cây phát triển khỏe mạnh.
 
- Cây mai vàng:
 
+ Bón lót khi trồng: sử dụng phân trùn quế khoảng 1 -2 kg/gốc và 50-100g lân. Trộn đều lượng phân trên trong hố trước khi trồng cây con. Đối với mai trồng trong chậu nên bón tùy vào lượng đất của mỗi chậu. Tạo rãnh khoảng 3 - 5cm xung quanh thành chậu để rải phân, lấp đất và tưới nước. Cây con rất dễ bị nhiễm bệnh nếu bị đứt rễ, vì thế nên tránh làm đứt rễ cây. Nên thay đất trong chậu mỗi năm hoặc bổ sung thêm phân hữu cơ trùn quế, mỗi lần từ 1 -2 kg/chậu.
 
+ Bón thúc: Khi cây bắt đầu ra rễ (sau khoảng 10 - 15 ngày trồng) ta hòa loãng phân NPK tỷ lệ 20-20-15 để tưới cho cây. Liều lượng: từ 50 - 100g/10 - 15 lít nước, khoảng 20 - 30 bổ sung 1 lần. Khi cây mai lớn thì tăng lượng phân bón nhưng dãn cách ngày tưới xa hơn. Đồng thời cũng bổ sung thêm phân trùn quế trong những đợt bón để bổ sung hữu cơ, giữ ẩm cho đất. Phân trùn quế cũng giúp cây hấp thụ lượng NPK tốt hơn do có axit humic và những vi sinh vật đất có ích.
 
+ Bón phân khi mai đã cho hoa ổn định: bón phân trùn quế 1 - 2kg/gốc, bón 3 - 4lần/năm vào các thời điểm: sau Tết Nguyên Đán (hoa tàn hết), sau khi cắt tỉa cành, đầu mùa mưa và giữa mùa mưa, 1 - 1,5 tháng trước khi hoa mai nở. Nên giữ ẩm vào mùa khô và làm thoáng gốc vào mùa mưa để rễ phát triển tốt, bón phân theo hốc gần vùng rễ non phát triển, bón vào hốc hoặc rãnh sâu từ 5-7cm sau đó lấp đất lại.
 
- Các loại cây cảnh nói chung: Trước khi trồng, bạn chuẩn bị đất trồng có trộn phân trùn quế để bón lót cho cây. Trong quá trình chăm sóc cây, bạn nên định kỳ 1 - 2 tháng bón một lần phân trùn quế. Trước khi bón, bạn nên dùng dụng cụ xới nhẹ lớp đất mặt, rồi rải lên bề mặt đất một lớp phân trùn quế dày khoảng 2 cm, phủ lớp đất mịn lên trên, sau đó tưới nước ẩm cho cây.

Đối với cây ăn quả

Phân trùn quế thường được dùng để bón lót và bón thúc cho các cây ăn quả. Khi bón lót, bạn bỏ phân trùn quế vào các hốc để trồng cây. Còn với bón thúc, bạn dựa theo tán cây để bón phân. Căn cứ vào độ rộng của tán cây rồi cuốc rãnh sâu khoảng 5 - 10 cm, rộng 10 - 20 cm, sau đó bỏ phân trùn quế vào rồi lấp đất lại và tưới nước ẩm cho cây và chỗ phân vừa bón. Người ta thường bón thúc phân trùn quế vào các thời điểm trước khi cây ra hoa, sau mỗi đợt thu hoạch hoặc bón vào đầu và cuối mùa mưa.
 
Như vậy, Awane vừa chia sẻ đến bạn cách làm phân trùn quế, cũng như cách bón phân trùn quế đủ liều lượng cho cây trồng hấp thụ tốt nhất. Hy vọng qua bài viết này sẽ giúp ích cho bạn khi trồng rau tại nhà bằng phân trùn quế. Chúc thành công!
 
Bạn hài lòng về bài viết này chứ? Hãy cho chúng tôi biết nhé.
  • TỪ KHÓA:
  • cách làm phân trùn quế , cách bón phân trùn quế , phân trùn quế , bón phân , phân trùng quế
Chương trình khuyến mãi   Xem thêm
news letter icon

Đăng ký nhận bản tin Awane

Đừng bỏ lỡ hàng ngàn sản phẩm và chương trình siêu hấp dẫn

© 2019 AWANE.VN - All Rights Reserved. - Design by: minhchien.xyz
 

X